Phân bón được dùng từ 8.000 năm trước
03/07/2015 21:49
Một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Oxford phát hiện ra rằng trong thời kỳ đồ đá khoảng 6.000 năm trước công nguyên, những người nông dân đã biết sử dụng phân gia súc như bò, cừu, dê, lợn như một loại phân bón tan chậm cho cây trồng.
Một mẫu hóa thạch lúa mạch tây nam nước Đức. (Ảnh: Oxford University)
Từ trước đến nay, người ta tin rằng việc sử dụng phân bón cho cây trồng không xuất hiện cho đến thời đại đồ sắt, thời kỳ La Mã. Theo kết quả ghi nhận của các nhà khoa học, trong các hạt ngũ cốc cháy thành than nằm trong các mẫu khảo cổ thời kỳ đồ đá niên đại từ 6.000 đến 2.400 năm trước công nguyên lấy từ 13 địa điểm trên khắp châu Âu có chứa một lượng lớn đồng vị ổn định nitơ-15 (N15), một đồng vị phong phú có trong phân bón. Phát hiện này được công bố trong ấn bản đầu tiên của tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, ScienceDaily cho biết.
Tiến sĩ Amy Bogaard của trường Đại học Oxford cho biết: "Người nông dân sử dụng phân bón, áp dụng phương pháp canh tác dài hạn trên đất của họ, chứ không phải là một lối sống du canh du cư. Họ sớm nhận ra giá trị của đất và tìm cách duy trì nó cho con cháu sau này".
Trước đây người ta nghĩ rằng hóa thạch của con người thời kỳ đồ đá có giá trị N15 cao do chế độ ăn nhiều thịt và sữa. Tuy nhiên, những kết quả trên cho thấy, các chất đạm từ ngũ cốc cao hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây, và cây trồng mới là nguồn cung cấp thực phẩm chủ yếu trong khẩu phần ăn uống của họ thời kỳ này.
Nguồn: sưu tầm (khoahoc.tv)